Độc đáo tranh bút lửa

tri tg137
Trong các thể loại tranh có lẽ ít người nhắc đến tranh bút lửa, bởi nó không được phổ biến rộng rãi so với các loại tranh khác. Đến nay, số họa sĩ gắn bó với loại tranh này ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi nét độc đáo ít ai thể hiện được. Kết duyên bởi đam mê hội họa Tôi may mắn khi được biết họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu chuyên vẽ tranh bút lửa có nhiều tác phẩm được mọi người biết đến. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có để tìm hiểu về loại tranh độc đáo này, tôi đã ghé thăm gian phòng trưng bày tranh của anh và trò chuyện với họa sĩ chân chất này. Đón tôi trong buổi sáng đầu tuần của trời tháng 7, anh Hiếu nhiệt tình dẫn tôi tham quan phòng tranh và giới thiệu tỉ mỉ từng tác phẩm. Nói là phòng tranh nhưng thực ra không gian phía trước ngôi nhà được anh tận dụng làm nơi trưng bày. Ẩn mình bên con đường nhỏ Nguyễn Văn Thạnh, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM, căn nhà tuy không lớn nhưng cách trang trí khá bắt mắt và phối màu hài hòa tạo cảm giác thoáng mát và thoải mái. Hình ảnh đầu tiên khi bước vào phòng tranh là những bức tường phủ kín những tác phẩm giống như một bảo tàng thu nhỏ giàu sức lôi cuốn. Bất cứ ai đến đây chỉ cần ngồi một chỗ, xoay tròn để có thể chiêm ngưỡng mọi tác phẩm với nhiều chủ đề phong phú. Nhìn thoáng qua ít ai biết được màu chính của những bức tranh này chỉ là màu gỗ tự nhiên và màu gỗ cháy được vẽ bằng lửa vì thế mới có tên tranh bút lửa. Thể loại tranh này có nguồn gốc xuất xứ từ các bộ tộc du mục ở một số nước châu Phi. Dụng cụ vẽ tranh khá đơn giản với chỉ một cây bút lửa (dùng điện làm nóng sợi dây đồng trên ngòi bút để vẽ) và những tấm gỗ. Anh Hiếu cho biết, tất cả các loại gỗ đều có thể dùng để vẽ được, nhưng thông thường người họa sĩ chọn gỗ bạch tùng, thông, cao su vì những loại gỗ này đẹp, độ chắc cao và có thể để lâu. Trò chuyện cởi mở, anh Hiếu chia sẻ mình đến với môn nghệ thuật này cũng là một dịp tình cờ khi được người bạn đi nước ngoài về gửi tặng bức tranh bút lửa. Chính sự giản dị qua từng nét vẽ và sự phối màu hài hòa, độc đáo của bức tranh đã thu hút, từ đó anh Hiếu tìm hiểu, học vẽ cho bằng được thể loại này. Thực ra, anh đến với bộ môn nghệ thuật này chưa lâu, chỉ 4-5 năm gần đây. Sinh ở Huế, từ nhỏ anh Hồ Ngọc Hiếu đã thích học vẽ, 18 tuổi xa quê vào TPHCM kiếm sống. Từ niềm đam mê hội họa, anh Hiếu đã làm việc tại các xưởng vẽ chân dung, quảng cáo, chép tranh sơn dầu, sơn nước và nhận phối màu cho các công trình du lịch tại Suối Tiên, Đại Nam… Dần dần tích lũy thêm kinh nghiệm thể hiện được nét bút của riêng mình. Bên cạnh đó, anh tham khảo thêm tài liệu qua nhiều phương tiện, trao đổi với bạn bè trong nghề để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu đang thể hiện tác phẩm.

Chia sẻ về vẽ bút lửa, anh Hiếu cho biết thêm: “Trước khi đến với phần vẽ, khâu làm người họa sĩ dễ nản lòng nhất là làm bút lửa. Lúc mới vào nghề, tuần nào tôi cũng lùng khắp khu chợ Dân Sinh, Nhật Tảo để tìm mua bút nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Không còn cách nào khác mình đành tự mua ống nhựa, dây đồng, ổn áp biến điện về tự chế. Sau hơn 1 năm thất bại với hàng chục sản phẩm, cây bút lửa hoàn chỉnh đã ra đời”. Thông thường khi nghĩ tới tranh, mọi người sẽ nghĩ tới màu sắc rực rỡ, bắt mắt hay những gam màu sáng. Nhưng tranh bút lửa, màu chủ đạo chỉ màu tự nhiên của gỗ và gỗ cháy. Do vậy, loại tranh nghệ thuật này đòi hỏi họa sĩ phải khéo tay, điêu luyện và thể hiện chiều sâu và cái hồn của bức tranh. Yêu cầu như vậy do ngòi bút rất nóng, bắt lửa nhanh, nếu chỉ cần giữ quá vài giây trên mặt ván vết cháy sẽ loang ra mất nét, nên người vẽ tranh bút lửa thường phải tưởng tượng thật chi tiết những đường nét mình muốn vẽ. Điều khiển được ngòi bút để thể hiện các đường nét sáng tối, đậm nhạt khác nhau là cả một quá trình tập luyện gian nan. Nếu vẽ sai một nét phải xóa toàn bộ bề mặt hoặc có khi bỏ cả tấm gỗ. Hồn lửa Việt trong tranh Lấy nghệ danh “Hồn lửa Việt”, họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu ngụ ý muốn mượn ngọn lửa đỏ rực mãnh liệt để thổi hồn những vật dụng đơn sơ, biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật sinh động, có thần sắc và gần gũi. Tất cả chủ đề như phong cảnh Sài Gòn xưa, Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, cầu Tràng Tiền (Huế), chùa Một Cột, thư pháp, chân dung;… đều được họa sĩ Hiếu thể hiện điêu luyện và mang phong cách truyền thống, cổ xưa. Giải thích về phong cách này, anh cho biết sự giản dị của tranh bút lửa rất phù hợp để thể hiện những khung cảnh cổ xưa nên thơ, trữ tình, giúp người xem cảm nhận và hiểu thêm về những địa danh nổi tiếng của Việt Nam xưa. Theo người họa sĩ tài hoa này, trong các chủ đề vẽ chân dung nghệ thuật là chủ đề khó thể hiện nhất, bởi ngoài việc vẽ giống nhân vật, người họa sĩ phải chọn được góc đẹp và thể hiện cái hồn, tính nghệ thuật trong ảnh. Anh vui vẻ kể lại bức tranh mất nhiều thời gian, công sức nhất là bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Suốt 2 tuần liền, ngày nào cũng cặm cụi ngồi vẽ hơn 10 tiếng, vẽ rồi xóa rồi vẽ cho đến khi tổng thể đường nét bức tranh hài hòa mới buông bút. Trong gian phòng chật chội, nổi bật lên bộ sưu tập 17 bức chân dung của Bác Hồ trên nền gỗ bạch tùng được người họa sĩ thực hiện năm 2012. Nhìn loạt tác phẩm nào cũng ấn tượng, thể hiện được thần thái sống động và trí tuệ của Bác Hồ kính yêu đậm nét nghệ thuật. Nói về bộ tác phẩm này, họa sĩ Hiếu cho biết là người Việt Nam đang sinh sống tại thành phố mang tên Bác, cũng mong muốn có một bộ sưu tập về Bác. Niềm vui và hạnh phúc tăng gấp nhiều lần khi bộ sưu tập của anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa nhiều nhất.

Tác phẩm Sài Gòn xưa được tái hiện bằng tranh bút lửa.

Tranh bút lửa của họa sĩ Hồ Ngọc Hiếu chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng khá giả, có điều kiện và coi trọng phong thủy. Các tác phẩm có nhiều kích thước khác nhau 45x70cm, 45x75cm, 45x120cm hoặc 67x88cm… Tuy nhiên, kích thước càng lớn và đặc tính gỗ cứng khiến khách hàng du lịch khó mua vì cồng kềnh, không thuận tiện cho việc mang đi lại. Mức giá thấp nhất của tác phẩm khoảng 300.000 đồng, còn giá cao tùy thuộc vào độ phức tạp và yêu cầu của khách hàng. Trao đổi thêm về môn nghệ thuật độc đáo trong làng hội họa, anh Hiếu cho biết tranh bút lửa đã có từ lâu ở Việt Nam, nhưng phát triển chậm bởi ít người theo. Đây là loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự đam mê và dày công. Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho tranh bút lửa vẫn rất khó khăn. Bởi quan điểm của người họa sĩ là khi vẽ tranh phải chú trọng tính nghệ thuật hơn tính thương mại, có nghĩa phải thể hiện được chiều sâu của tranh, không được làm qua loa, đại khái. Do vậy, đến nay anh vẫn chưa mở lớp dạy và tìm được người đủ đam mê để truyền đạt.

Bài & ảnh: La Thảo
Tag:

1 Comment

  1. HUYNH QUI viết:

    xin chao shop
    có thể cho mình hỏi chút việc đc k ah

Gửi thảo luận